Hạn chế các cơn ăn vạ của con: Ba mẹ cần làm gì?

Những cơn ăn vạ của trẻ có lẽ là thách thức với nhiều ba mẹ khi không thể kiềm chế cảm xúc và chế ngự những cơn nổi loạn vô cớ của con. Nhưng nếu biết cách ứng xử và hành động khéo léo, ba mẹ sẽ chính là người nâng đỡ, giúp con nhận thức được hành vi của mình và hợp tác với ba mẹ. 

Hiểu và đồng cảm với trẻ

Theo giáo viên Montessori, mỗi trẻ nhỏ là một cá thể độc lập và các con luôn muốn được thừa nhận, cư xử như “một người trưởng thành”. Vì vậy, bất cứ khi nào trẻ buồn, khóc hay bực bội… đó là lúc các con luôn cần người lớn thấu hiểu và đồng cảm với mình.

Khi được hỏi về khả năng kiểm soát cảm xúc trước hành động ăn vạ, mè nheo của con, nhiều ba mẹ cho rằng họ không giữ nổi bình tĩnh. Đó là lý do ở nhiều gia đình, người lớn thường quát mắng và sử dụng những câu mệnh lệnh, suy đoán một chiều như: “Không được, mẹ cấm nghe chưa!”, “Hơi tý là ăn vạ, hư quá!”, “Nín ngay” “Cứ ngồi đây mà khóc, mẹ đi về đây”… hoặc sử dụng các hình phạt, đòn roi để răn đe trẻ “Có nín không thì bảo. Không nín mẹ không yêu nữa”, “Mẹ gọi công an đến bắt nhé!”. 

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, tất cả những câu cấm đoán, ra lệnh đó chỉ làm tăng cảm giác khó chịu trong con. Con sẽ càng ngang bướng, khó bảo, cảm thấy mất an toàn và có xu hướng bạo lực. Tính cách này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hành vi ứng xử của con với người khác, thậm chí gây nên những hậu quả khôn lường. 

Vì vậy, các giáo viên Montessori khuyên ba mẹ hãy quan sát để hiểu được nhu cầu của trẻ và lắng nghe để hiểu và tôn trọng các con, quan sát những hành động, lời nói của con để thấu hiểu vấn đề con đang gặp phải. Hãy kiên nhẫn, bình tĩnh với con, sử dụng câu nói lên cảm nhận bản thân để các con cảm nhận được rằng bố mẹ hiểu mình, đưa ra những lời gợi mở để con sẵn sàng chia sẻ như “Mẹ thấy con không thích cái này”, “Mẹ thấy con buồn, tức giận, khó chịu,…”, “… Điều này không chỉ giúp bé nguôi ngoai, dễ chịu mà còn tạo dựng niềm tin giữa con cái và ba mẹ. Hơn nữa, khi con đang gào khóc ăn vạ thì cách giao tiếp của ba mẹ sẽ giúp các con cải thiện vốn từ vựng, qua đó các con có thể tự diễn tả cảm xúc hoặc ý muốn, nhu cầu của bản thân một cách thoải mái, tự tin nhất.

Không nên nuông chiều trẻ

Cũng theo Montessori, cách ứng xử của bố mẹ ở giai đoạn đầu đời là nền tảng hình thành nên tính cách của trẻ sau này khi lớn lên. Việc con muốn gì bố mẹ cũng đều đáp ứng và thỏa hiệp bất cứ điều gì trẻ muốn sẽ khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, cáu gắt, giận dỗi khi có ai đó không đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Bố mẹ phải thực sự hiểu, kiên nhẫn, khéo léo trong cách ứng xử, giáo dục con, mình yêu thương con, cho con những điều tốt đẹp nhất; nhưng đừng để con hiểu rằng, chỉ cần mình giận dỗi là người khác sẽ nhún nhường, đáp ứng yêu cầu của mình. Mà chỉ khi yêu cầu của con thực sự xứng đáng và phù hợp thì con mới có thể có được nó. Đừng để giận dỗi trở thành thói quen ở trẻ.

Khéo léo hướng con sang hoạt động khác

Trẻ con dễ giận dỗi, khóc lóc, ăn vạ vô cớ nhưng cũng rất mau quên. Chính vì vậy, khi con đang giận dỗi vì không đạt được một điều gì đó thì ba mẹ nói lên cảm nhận bản thân và gợi ý cho con về một trong những hoạt động mà ba mẹ thấy rằng con rất thích..

Theo kinh nghiệm của các cô giáo Montessori, khi con giận dỗi, ba mẹ nên khéo léo nói với con rằng: Ba mẹ biết con đang rất buồn vì cái ô tô mà con thích nó đã bị vỡ…. Nhà mình đã có hẹn là đi thăm ông bà, vậy chúng ta cùng chuẩn bị cho chuyến đi này nha…

Trò chuyện khi trẻ bình tĩnh lại

Trên thực tế, nếu khi con đang giận dỗi mà mình sử dụng ngôn ngữ giải thích, giảng dạy hay giáo huấn sẽ càng khiến cho con giận dỗi hơn, và cũng không trông mong gì con thay đổi. Nhưng lúc cơn ăn vạ của bé đã qua đi, ba mẹ hãy lại gần và nói chuyện với bé về cảm xúc của trẻ khi sự việc xảy ra, ví dụ: vừa rồi mẹ thấy con rất tức giận vì bạn A đang giành đồ chơi của con… Bây giờ mẹ đã thấy con bình tĩnh trở lại, mẹ thấy rất vui và con có thể chia sẻ với mẹ về bất cứ điều gì nếu con muốn. Cảm ơn con đã tin tưởng và chia sẻ với mẹ… Sau đó hãy ôm con vào lòng và nói cho con biết rằng, mẹ rất yêu con. Hành động này sẽ khiến con củng cố lại niềm tin và tâm lý, để trẻ biết rằng, mình không bị bỏ rơi. 

Có thể, những cơn ăn vạ của con đều gây nên những mệt mỏi cho người lớn. Nhưng theo các giáo viên Montessori, đó lại là quá trình phát triển tâm lý tự nhiên và độc lập của trẻ, giúp trẻ tự thẩm thấu kiến thức, hình thành nhân cách và kỹ năng. Cho nên, dù phải đối mặt với những con ăn vạ vô cớ của con ở bất cứ độ tuổi nào, địa điểm ở đâu thì nguyên tắc quan trọng nhất mà ba mẹ cần nhớ chính là BÌNH TĨNH, ĐỒNG CẢM, KHÔNG QUÁT MẮNG hay CẤM ĐOÁN, RA LỆNH.

Hy vọng những thông tin mà Newsun chia sẻ sẽ giúp ba mẹ thấu hiểu sâu sắc về con của mình và có thể xây dựng những cách tiếp cận phù hợp với con, hướng con trở thành một em bé hạnh phúc, tự tin và thành công. Chắc chắn ba mẹ sẽ dễ dàng vượt qua những cơn ăn vạ  của con một cách nhẹ nhàng nhất

Loading...